QUY TRÌNH – QUY CHẾ

Nếp cái hoa vàng Yên Phụ là sản phẩm nằm trong danh mục giống lúa truyền thống đang sử dụng của Bộ NN&PTNT, sản phẩm này đã được trồng tại xã Yên Phụ, huyện Yên Phong khoảng 20 năm. Do có lợi thế về đất thổ nhưỡng, nếp cái hoa vàng rất phù hợp với chất đất nơi đây nên sản phẩm có chất lượng rất nổi trội như: dẻo, thơm, các hạt mẩy đều, dáng bầu tròn, ngậy và thơm ngơn ngon. Tại Yên Phụ người dân sử dụng giống lúa thuần và phải tuân thủ theo những kỹ thuật trồng và chăm sóc, thu hoạch rất tỉ mỉ và kiên trì.

Để làm ra sản phẩm nếp cái hoa vàng đúng chất lượng thơm, dẻo, ngon đạt chuẩn, quy trình sản xuất nếp cái hoa vàng gồm có 3 công đoạn chính: chọn giống lúa, chăm sóc và thu hoạch , đóng gói. Trong đó, khâu quan trọng nhất vẫn là khâu chọn giống lúa, giống lúa phải chọn ngay sau khi gặt lúa về, chọn bông có hạt xếp đều, hạt có dé dài, mẩy, gọn bông để giữ chất lượng gạo; thu hoạch lúa phải chọn ngày nắng ráo. Sau khi thu hoạch, mỗi lượm lúa chỉ chọn được 5-7 bông, đem tuốt lấy hạt phơi trong 3-4 nắng tùy thuộc vào điều kiện thời tiết cho đến khi nào hạt gạo có màu trắng đục là đạt chuẩn.

Sau đó, hạt giống nếp được đem ngâm nước trong một khoảng thời gian vừa đủ, đãi sạch rồi đem đi ủ. Hạt giống nảy mầm đạt chất lượng sẽ có mầm xanh, gieo đúng vào thời điểm “mùa nứt nanh, chiêm xanh mầm” thì chất lượng thóc sẽ đạt tiêu chuẩn.

Đạt chuẩn nhất của nếp cái hoa vàng là được trồng đúng vào vụ mùa, thời tiết ấm áp, kháng sâu bệnh, sinh trưởng tốt và không mất nhiều thời gian chăm sóc.

Khác với các giống nếp khác, khi cấp nếp cái hoa vàng, các cây mạ được cắm sâu tay hơn xuống rộng và khoảng cách các cây mạ rộng khoảng 20-25cm. Sau hơn 1 tuần, sẽ tiến hành bón đạm để kích thích cây lúa đẻ nhánh, sau đó phun thuốc trừ sâu cuốn lá.

Khi lúa vào đòng, bà con bón các loại phân và kali, phin thuốc trừ sâu theo đúng quy định hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và tiêu chuẩn VietGAP. Nếp cái hoa vàng là giống lúa dài ngày chỉ cấy được ở vụ mùa và có thời gian sinh trưởng tới 150 ngày (kể từ khi gieo mạ) nên thường thu hoạch cuối cùng. Nếu canh tác không đúng quy trình kỹ thuật và lại bị sâu bệnh hại thì năng suất thu hoạch thấp.

Đến lúc gặt, bà con phơi thóc đủ số giờ nắng, thường xuyên đảo thóc, thường phơi 3-5 nắng tùy vào điều kiện thời tiết. Sau khi thóc đã được phơi khô sẽ được quạt sạch hạt lép, trấu và đóng bì bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát

Hiện nay, Yên Phụ đang trồng và chăm sóc theo hướng VietGap (trong đó thôn Đức Lân đã được cấp Giấy chứng nhận); đây là giống lúa dài ngày, bị nhiều sâu bệnh gây hại nên đòi hỏi người dân phải tuân thủ những kỹ thuật canh tác cao (đặc biệt là biện pháp chăm sóc lúa theo từng giai đoạn sinh trưởng, công thức NPK cụ thể và áp dụng biện pháp phòng trừ sâu bệnh); bên cạnh giống lúa, đất đai, khí hậu, kỹ thuật canh tác là những yếu tố tạo nên các đặc trưng của sản phẩm nếp cái hoa vàng của địa phương. Hiện nay có khoảng 80-90% số hộ/toàn xã Yên Phụ có trồng nếp cái hoa vàng, với tổng diện tích khoảng 300-310 ha, mỗi hộ quân bình từ 2-3 người lao động; sản lượng trung bình từ 1200 – 1400 tấn/vụ, mỗi năm chỉ trồng 1 vụ từ tháng 7 đến tháng 12; doanh thu trung bình mỗi năm đạt khoảng 20 – 25 tỷ/năm.