Những năm gần đây sản xuất nông nghiệp ở huyện Yên Phong không ngừng phát triển, trong đó, giống lúa Nếp cái hoa vàng là một trong những cây trồng chủ lực, là đặc sản của huyện và trở thành thương hiệu được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến.
Giống lúa Nếp cái hoa vàng tại Yên Phong đã được trồng từ lâu đời với chất lượng gạo nổi tiếng ngon, đặc biệt khi nấu chín còn có mùi thơm, hấp dẫn, cơm dẻo, hạt cơm bóng đã nổi tiếng trong và ngoài tỉnh. Nhưng để không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng của giống lúa này là một mấu chốt quan trọng của huyện. Bên cạnh đưa Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 1 kiểm định và xác nhận chất đất và nguồn nước từ sông Cầu dùng để trồng lúa tại Yên Phong an toàn, không bị ô nhiễm; người dân đã ngăn chặn được nước thải sinh hoạt không cho chảy vào đồng lúa thì mỗi năm Viện Nghiên cứu cây trồng Trung ương đều nghiên cứu và phục tráng lại giống lúa Nếp cái hoa vàng được gieo trồng tại huyện, chứ không lai tạo từ các giống khác. Đến năm 2013, nông dân Yên Phong bắt đầu trồng lúa Nếp cái hoa vàng theo tiêu chuẩn VietGAP. Do hạt giống được nâng cấp liên tục, chất lượng mùa sau luôn cao hơn mùa trước; đến năm 2018, diện tích gieo trồng lúa Nếp cái hoa vàng đạt 55 ha với sản lượng bình quân khoảng 5 tấn/ha. Cứ như thế, gạo Nếp cái hoa vàng luôn đứng vững là đặc sản của Yên Phong trong nhiều năm qua.
Là một trong những hộ phát triển mạnh mô hình Nếp cái hoa vàng, chị Nguyễn Thị Bắc (xã Yên Phụ) chia sẻ: Giống lúa này trồng và chăm sóc khá đơn giản, không mất nhiều thời gian hay công sức vì nó có khả năng sinh trưởng, kháng sâu bệnh tốt. Gạo Nếp cái hoa vàng thơm ngon nhất khi được trồng vào vụ mùa. Vụ mùa năm trước, gia đình tôi cấy 2 sào nếp cái hoa vàng, đạt năng suất 1,6 tạ/sào. So với giống lúa Bắc thơm trước đây, nếp cái hoa vàng cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Vụ mùa năm nay, gia đình tôi mở rộng diện tích canh tác lên 4 sào.
Đồng chí Nguyễn Giảng Trường, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Phong cho biết: Lúa Nếp cái hoa vàng vốn được coi là mặt hàng chủ lực của địa phương. Hiện nay lúa trồng theo quy trình VietGAP, để đảm bảo chất lượng, sau khi thu hoạch, lúa được mang đi phơi nắng trong suốt 5 ngày để làm nóng vỏ trấu rồi phủ bạt, nhằm giúp hạt gạo trắng đều và thơm. Hạt thóc sẽ trải qua 6 bước để biến thành những hạt gạo nếp hảo hạng gồm: xay, sát, tách tấm, tách màu, đánh bóng và đóng gói, đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thị trường nông sản. Sau một năm áp dụng VietGAP, mặc dù chi phí đầu vào tăng lên nhưng chi phí cho thuốc bảo vệ thực vật lại giảm đi, sản lượng và chất lượng gạo cao hơn trước. Đặc biệt, gạo Nếp cái hoa vàng ở Yên Phong người trồng không phải bán lẻ mà được các doanh nghiệp đến thu mua, thậm chí đặt hàng từ đầu vụ. Từ đó, sản phẩm Nếp cái hoa vàng Yên Phong dần được trải khắp các kệ trưng bày của nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm lớn trên toàn quốc. Được biết, vào mùa vụ thu hoạch Nếp cái hoa vàng còn được các thương lái ở Hà Nội thu mua về làm cốm – một trong những đặc sản ẩm thực nổi tiếng của người Hà thành. Ngoài ra, giá bán của lúa trồng theo quy trình VietGAP lại cao hơn giá lúa thông thường.
Tin tưởng rằng, với sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của các cấp, ngành, đoàn thể về cơ chế chính sách, đào tạo tập huấn, hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là về công nghệ sấy, chế biến, đóng gói…sẽ khuyến khích nông dân trên địa bàn huyện tiếp tục mở rộng diện tích cấy lúa Nếp cái hoa vàng theo hướng sản xuất hàng hóa đặc sản tập trung, chất lượng cao, quy mô lớn, đưa sản xuất lúa Nếp cái hoa vàng thực sự trở thành một mặt hàng nông nghiệp chủ lực của địa phương./.